Sunday, 8 January 2012


4. 1- Nghi thức tụng niệm:

Nghi thức thọ trì thường ngày của các tổ chức PGKS có nhiều nghi thức khác nhau, mang tính đặc thù của PGKS. Theo Pháp Môn đáo Bỉ Ngạn (I) thì ĐS. Huệ Nhựt hướng dẫn cách tụng niệm mỗi ngày trong một thời kinh gồm có: Trước hết là Nguyện Hương sau đó xướng Chí Tâm Đảnh Lễ:

- Nam mô Thập Phương................................Nhất Thiết Chư Phật (1 lạy)

- Nam mô Thập Phương ...............................Nhất Thiết Tôn Pháp (1 lạy)

- Nam mô Thập Phương ...............................Nhất Thiết Hiền Thánh Tăng (1 lạy)

Xong đọc bài Tán Lư Hương, sau bài này tiếp bài Khai Kinh Kệ, Đọc xong bài khai kinh bắt đầu vào đọc câu: Nam mô Liên Trì Hải Hội Phật Bồ Tát (3 lần) rồi đọc vào văn kinh: Phật thuyết A Di Đà Kinh........Sau khi đọc xong kinh A-Di-Đà, đọc tiếp bài chú vãng sanh, rồi đọc bài tán thán Phật, sau đó niệm câu: "Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, Tam Thập Lục Vạn Ức Nhứt Vạn, Cửu Thiên Ngũ Bá, Đồng Danh, Đồng Hiệu, Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A- Di - Đà Phật", sau đó niệm Hồng Danh Phật A Di Đà (10 lần), rồi đọc danh hiệu Tứ Thánh và danh hiệu: "Nam mô Linh Thánh Mẫu Bồ Tát". Sau đó đọc bài kệ: "Đệ tử sở tạo bao ác nghiệp ........................ Đệ tử giai sám hối".

Nam mô Cầu Sám Hối Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lần).

Đọc tiếp bài Tự Tánh Tứ Hoằng Thệ Nguyện, rồi đọc tiếp 4 bài kệ: Phúng Kinh, Nguyện Tiêu, Nguyện Sanh, Hồi Hướng rồi đọc bài Phục Nguyện, sau nghi thức Phục Nguyện là Tam Tự Quy Y. Sau cùng là xướng "Hoà Nam Thánh Chúng".

Nhưng theo Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn (II) thì Đại Sư hướng dẫn "phép tắc tụng kinh", sau bài Tán Lư Hương thì niệm đến Hồng Danh Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (3 lần) rồi tụng bài chú "Tịnh Khẩu Nghiệp Chơn Ngôn, An Thổ Địa Chơn Ngôn, Tịnh Tam Nghiệp Chơn Ngôn, Phổ Cúng Dường Chơn Ngôn" đọc tiếp: Phục thỉnh bát Kim-Cang và tứ Bồ-Tát, rồi đọc tiếp Phát Nguyện Văn, đến:

Vân hà phạm:

Vân hà đắc trường thọ

Kim Cang bất hoại thân?

Phục dĩ hà nhân duyên

Đắc đại kiên cố lực?

Vân hà ư thử kinh

Cứu cánh đáo bỉ ngạn?

Nguyện Phật khai vi mật

Quảng vị chúng sanh thuyết.

Rồi đọc bài kệ khai kinh. sau đó tuỳ ý nghĩa của thời kinh mà trì tụng kinh Di-đà, Đại Bi Thập Chú Hoặc Kim Cang Hoặc Phổ Môn hoặc Hồng Danh hay Vu Lan, ...đều được. Khi đọc xong thì tụng tiếp bài Bổ Khuyết Tâm Kinh, rồi tiếp chú Vãng Sanh, tiếp theo là đọc bài sám nào cũng được; rồi lại đọc tiếp chú Vãng Sanh 3 lần, xong đọc bài tán thán Phật. Phần tiếp theo nghi thức này giống với nghi thức thọ trì của pháp Môn Bỉ Ngạn (I).

Hiện nay, thời khóa tu tập hằng ngày tại Linh Quang Tịnh Xá theo trả lời của TT. Từ Giang, Viện Chủ tịnh xá:" trong một buổi phỏng vấn Ngài nói: Buổi sáng sau các thời kinh là thực hành Niệm Phật Tam Muội khoảng một tiếng đồng hồ, đến 10 giờ 30 sẽ có một thời Pháp thoại nhằm trau dồi những nội dung và kinh nghiệm thực hành giáo lý giữa Phật Tử và các sư hướng dẫn. Tiếp đó cúng ngọ trai đường. Buổi trưa sau khi thọ thực xong đọc thời chú Lăng Nghiêm, hướng dẫn (Phật tử) đi kinh hành. Nghĩ một lát đến 14 giờ chiều có thời (khóa) lễ Dược Sư, 16 giờ cúng Mông Sơn Thí Thực, 18 giờ 30 thời khóa Tịnh Độ. Vào trưa chủ nhật hằng tuần, cũng như rằm và mùng một âm lịch (tại tịnh xá) đều có thuyết Pháp".

Nghi thức tụng niệm của KSĐT chịu ảnh hưởng hoàn toàn nghi thức tụng niệm của Bắc Tông Phật giáo, có sử dụng pháp khí chuông, mõ, khánh. giống như nghi thức của Bắc Tông. Đối với văn kinh còn sử dụng âm Hán Việt nhưng trái lại nghi thức tụng niệm của HPKSVN. TS. Minh Đăng Quang hoàn toàn dịch ra Việt ngữ và viết theo thể văn vần rất hàm súc, dể đọc tụng. Theo nghi thức tụng niệm của HPKSVN hướng dẫn trong một thời kinh gồm có các nghi thức: trước hết là Nguyện Hương, sau đó là đọc bài

Dâng Hương:

"Khói hương xông thấu mấy tầng xanh

Rốt ráo tâm con bổn nguyện lành

Trên khói hương này xin Phật ngự

Chứng minh đệ tử tấc lòng thành."

Lễ Phật:

Kính lạy Phật từ bi cứu thế

Đem đạo lành phổ tế chúng sanh

Trần gian biết nẻo tu hành

Nhờ đền trí tuệ quang minh soi đường. (1 lạy)

Lễ Pháp:

Kính lạy Pháp là phương giải thoát

Gốc chơn truyền y bát từ xưa

Pháp tu chứng đắc kịp giờ

Độ người qua đến bến bờ bên kia. (1 lạy)

Lễ Tăng:

Kính lạy tăng nghiêm trì giới luật

Hạnh tang vô nhất vật thanh bần

Tự mình giác ngộ lý chân

Giúp người giác ngộ chuyên cần công tu. (1 lạy)

Tiếp theo đọc bài: Xưng Tụng Tam Bảo, rồi tụng Quy Y Tam Bảo, kế tiếp tụng Hồng Danh Đức Phật Thích Ca (3 lần), rồi đọc bài kệ khai kinh. rồi từ đây bắt đầu vào văn kinh mà người trì có thể tụng nghi thức sám hối, hoặc cầu an, cầu siêu, hoặc Vu Lan hay kinh A Di Đà, ... sau khi tụng văn kinh xong, nếu là kinh A Di Đà thì tụng tiếp bài kệ A-Di-Đà tán, rồi thành tâm kỉnh lễ 12 danh hiệu Phật, rồi mới tụng bài bài Bát Nhã Tâm Kinh, Nguyện Vãng Sanh, Tán Thán Phật, tiếp theo niệm Hồng danh Đức Phật A-Di-Đà (3 lần hoặc tùy ý) rồi niệm hiệu Tứ Thánh, sau đó tụng bài sám (tùy theo thời kinh mà người tụng chọn bài sám cho phù hợp), rồi tụng bài: Phúng kinh, Nguyện tiêu, Nguyện sanh, và hồi hướng, xong rồi đọc bài Phục nguyện, sau cùng là tụng Tam Tự Quy Y ...

Tự Quy Y:


Tự Quy Y Phật

Cầu cho chúng sanh

Hiểu rõ đạo lành

Phát lòng vô thượng (1 lạy)


Tự Quy Y Pháp

Cầu cho chúng sanh

Kinh luật hiều rành

Trí tuệ như biển (1 lạy)


Tự Quy Y Tăng

Cầu cho chúng sanh

Hiệp chúng đồng tình

Chẳng hề trở ngại (1 Lạy)


Đặc biệt là nghi thức tụng niệm truyền thống của HPKSVN không có sử dụng mõ, chỉ cùng nhau hòa âm, giọng ngang, đều hơi, không lên giọng, xuống giọng trầm bổng như cách tụng nịêm của Bắc Tông Phật Giáo. Nghi thức này phần nào đó cũng chịu ảnh hưởng nghi thức của Nam Tông Phật Giáo, nhưng nghi thức này hiện nay chỉ còn các TX. Trung tâm của các GĐ HPKSVN duy trì, một số tịnh xá hiện nay đã sử dụng chuông, mõ, khánh tụng niệm theo nghi thức Bắc Tông Phật Giáo.

Theo Chơn Lý-Luật Nghi Khất Sĩ, Tổ sư chia thời khoá tu tập hằng ngày như sau:

- Sáng từ: 5 - 6 giờ, thiền định.

- Sáng từ: 8 - 9 giờ, khất thực.

-Trưa từ: 11 - 12 giờ, thực thời (thọ thực).

-Chiều từ: 3 - 4 giờ, thuyết Pháp.

-Chiều từ: 6 - 7 giờ, thiền định.

-Khuya từ: 12 - 1 giờ, thiền định.

Trong tháng có bốn ngày cúng hội, vào ngày mùng 8, 23, rằm (15), và 30; tối 14, 30 (tháng thiếu 29) sám hối, sáng 15, 1 (tháng thiếu 29) Bố Tát, tụng giới.

Hiện nay, vì khất thực hoá duyên ít được phổ biến, chư Tăng Ni sống tập trung, định cư ở tịnh xá tu học, do đó hầu hết mọi các tịnh xá đều chia lại thời khoá tu tập hằng ngày cơ bản như sau: Sáng từ 3 - 4 giờ, tụng kinh; trưa từ 11 - 12 giờ thọ thực; tối từ 7 - 8 giờ tụng kinh. Ngoài các thời khoá đó thời gian còn lại tùy theo mỗi tịnh xá hoặc sắp thời thiền, hoặc chư Tăng Ni đi học ở các trường Phật học, hoặc tham gia công tác Phật sự của Giáo Hội.

Những nghi thức tụng niệm của các tổ chức PGKS còn lại hầu hết đều chịu ảnh hưởng nghi thức tụng niệm của HPKSVN hoặc là của Bắc Tông Phật giáo. Như Khất Sĩ của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng thực hành nghi thức tụng niệm giống với Bắc Tông, còn KSTT và KSSL thì hoàn toàn sử dụng nghi thức tụng niệm của HPKSVN.

Qua phần tìm hiểu về nghi thức tụng niệm của HPKS chúng ta thấy chỉ có hai nghi thức chính, đó là nghi thức tụng niệm của KSĐT, nghi thức này chịu ảnh hưởng nghi thức tụng niệm của Bắc Tông Phật giáo, và nghi thức tụng niệm của HPKSVN, nghi thức này chịu ảnh hưởng nghi thức của Nam Tông lẫn Bắc Tông Phật Giáo. Nhưng nét đặc sắc của nghi thức tụng niệm của HPKSVN là toàn bộ kinh văn âm Hán Việt đều được dịch ra tiếng Việt, viết theo thể loại văn vần rất hàm súc, dễ đọc tụng, dễ đi vào lòng người dân miền Tây Nam Bộ./.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).OM MANI PADME HUM.( 3 LAN ).9/1`/2012.

No comments:

Post a Comment